Chinh phục bằng dịch vụ - Phục vụ bằng con tim...

Translate

CÁC CHƯƠNG TRÌNH TOUR PHỔ BIẾN

BÌNH THUẬN

Lịch sử tỉnh BÌNH THUẬN
Đất Bình Thuận thời sơ khai
Ðất Bình Thuận nguyên thuộc nước Nhật Nam ngày xưa, sau là đất của Chiêm Thành. Vì chiến tranh liên miên nên Chiêm Thành mất dần đất đai. Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần đánh lấy đất Phan Lang (sau gọi là Phan Rang), chỉ còn để lại mảnh đất phía Tây cho Chiêm Thành. Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy luôn mảnh đất còn lại và đặt là Thuận Thành trấn, rồi lập Bình Thuận Phủ vào năm 1697, lấy đất phía Tây Phan Lang lập hai huyện An Phước và Hòa Ða. Sau đổi làm Bình Thuận Dinh và lập các đạo Phan Lang, Phan Thiết, Ma Ly và Phố Hài...
Ðời Gia Long vẫn giữ Bình Thuận dinh, đến Minh Mạng đổi lại Bình Thuận phủ. Năm 1827, Minh Mạng đặt ra hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận và hai huyện Tuy Phong và Tuy Ðịnh. Bình Thuận được đặt thành tỉnh và giao cho quan Tuần phủ Thuận Khánh kiêm nhiệm luôn tỉnh Khánh Hòa. Năm 1888, Ðồng Khánh chuyển phủ Ninh Thuận và Khánh Hòa. Năm 1900, vua Thành Thái đặt huyện Tuy Lý và lấy huyện Tánh Linh trước thuộc Ðồng Nai Thượng sát nhập vào Bình Thuận. Năm 1905, phủ Di Linh cũng được trích thuộc về Bình Thuận.
Thời Pháp thuộc, năm 1904, khi cuốn Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư của anh hùng Phan Bội Châu chấn động cả nước, nêu cao tinh thần duy tân tự cường để cứu nước, thì tại các tỉnh miền Trung phần, những người có lòng với quê hương tìm cách phát động phong trào mở mang dân trí, phục hồi dân khí. Hai anh hùng Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp vào Phan Thiết, mở thư xã, diễn thuyết nhiều lần kêu gọi đồng bào ý thức tự cường, truyền bá tinh thần canh tân, phát triển công thương nghiệp. Phong trào Duy Tân khởi sự tại Bình Thuận sớm hơn mọi nơi. Trước năm 1975, tỉnh Bình Thuận có các quận Hàm Thuận, Phú Quý, Thiện Giao, Hải Long, Hải Ninh, Hòa Ða, Tuy Phong và Phan Lý Chàm.

Nước trồi - hiện tượng thiên nhiên độc đáo ở vùng biển Bình Thuận
BT- Vì sao vùng đất từ Phan Rang đến Tuy Phong – Bắc Bình có khí hậu bán hoang mạc, khô nóng, nắng nhiều, lượng mưa ít nhất nước? Nguyên nhân nào mà xứ này có nhiều chủng loại hải sản độc đáo, có những hệ sinh thái đặc trưng mà các vùng biển khác trong cả nước không có được?
Thường trong các giáo trình địa lý được giảng dạy trong nhà trường phổ thông chỉ giải thích: Vùng biển này có hình dạng lãnh thổ bầu tròn gắn với địa hình có những dãy núi ở cực Nam Trung bộ bao bọc nhô ra sát biển, vì vậy ít được đón nhận gió mùa Tây Nam (gió mùa hạ đem mưa đến). Những đợt gió mạnh Tây Nam đi ngang qua đều thổi theo hướng song song với vùng biển Ninh Thuận – Bình Thuận, nên diễn ra hiện tượng khô hạn. Kết luận như thế vẫn chưa được đầy đủ.
Ngoài nguyên nhân trên còn có nguyên nhân khác cần phải tìm hiểu, đó là vùng biển chịu tác động tích cực hiện tượng độc đáo của tự nhiên: Hiện tượng nước trồi (upwelling) mà các vùng khác ít ảnh hưởng hơn hoặc không có. Chính hiện tượng nước trồi đã tác động tạo nên tính chất khô hạn của vùng.
Trong các quá trình thủy văn, động lực ở biển và đại dương, hiện tượng nước trồi (có sách viết là trồi lạnh) là hiện tượng đặc biệt thường xuất hiện ở vùng biển ven bờ. Trên thế giới, các vùng nước trồi được biết đến ở nhiều nơi: Bờ Tây Hoa Kỳ, Peru, Ma roc, Thái Lan… Còn ở vùng biển Việt Nam, một vùng nước trồi quan trọng đã được thấy ở vùng ven biển Nam Trung bộ (tập trung mạnh nhất ở khu vực từ vịnh Phan Rang - Ninh Thuận đến vịnh Phan Rí - Bình Thuận). Nguyên nhân nước trồi chính là do quá trình bù trừ trực tiếp theo chiều đứng, nước từ dưới sâu trồi lên lấp chỗ trống của lớp nước bên trên bị vận chuyển ra nơi khác theo hướng dọc bờ và tách bờ (vùng biển này được hình thành xoáy thuận thứ cấp, tạo ra tâm nước trồi mạnh).
Một yếu tố khác cũng là một trong những nguyên nhân cần và đủ để cho quá trình hình thành và phát triển hiện tượng nước trồi mạnh trong thời kỳ mùa hạ ở vùng biển Ninh Thuận và Bắc Bình Thuận (ngoài các điều kiện cần nói trên), điều kiện đủ là: Hướng của đường bờ (song song với hướng gió); Độ dốc thích hợp của địa hình thềm lục địa (khu vực này có độ dốc lớn và độ sâu hơn so với các khu vực khác); Sự tồn tại của hệ dòng chảy lạnh ven bờ theo hướng Bắc - Nam (lãnh thổ ảnh hưởng phân hóa theo vĩ độ); Sự ổn định về cường độ và hướng của trường gió mùa Tây Nam (gió mùa Tây Nam mạnh nhất vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 trong năm). Hướng gió này thổi song song và cắt bờ ra khỏi khu vực, có cường độ mạnh và ổn định làm cho nước biển tầng mặt ở vùng ven bờ với nhiệt độ cao và độ muối thấp bị đẩy lùi ra khỏi, do đó để bù vào lượng đã mất, nước có nhiệt độ thấp (lạnh) và độ mặn cao từ các tầng sâu sẽ trườn theo sườn dốc trồi lên vào các vùng ven bờ.
Vùng biển nào nếu hội đủ các điều kiện trên thì hiện tượng nước trồi sẽ phát triển mạnh mẽ, ổn định. Theo đánh giá của nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước: Thời kỳ gió mùa Tây Nam thịnh hành từ tháng 6 đến tháng 8 ở vùng biển Phan Rang và Bắc Bình Thuận được đánh giá đã tồn tại hiện tượng nước trồi mạnh nhất, nên khí quyển vùng này không kết tụ hơi nước để làm mưa. Các vùng biển khác hiện tượng này cũng tồn tại nhưng ở mức trung bình hoặc yếu hơn. Vùng biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau mặc dù gió mùa Tây Nam phát triển mạnh nhưng do đặc điểm địa hình thềm lục địa đáy nông và bằng, cho nên không thuận lợi hình thành hiện tượng nước trồi.
Hiện tượng nước trồi là nguyên nhân làm cho khu vực này ít mưa, khô hạn kéo dài, canh tác nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng bù lại các chất dinh dưỡng và thực vật phù du xuất hiện nơi bề mặt được tiếp xúc với bức xạ mặt trời, sẽ kích hoạt quá trình quang hợp, tạo thức ăn phong phú cho động vật biển. Nên ranh giới giữa các khu vực nước ấm và lạnh (frond) là những khu vực có xác suất sự hiện diện của các chủng loại hải sản đặc trưng với sản lượng lớn. Đó là một trong những nhân tố làm cho ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận (đặc biệt khu vực tam giác Cà Ná – Phú Quý – Phan Thiết ở rìa Tây Nam của tâm nước trồi) tồn tại các điều kiện sinh thái môi trường cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển đời sống sinh vật biển: thích hợp sinh vật nổi phù du, sinh vật đáy phát triển số lượng lớn, trứng cá, cá con nhiều, sò lông, điệp… có sản lượng cao.
Khí Hậu Bình Thuận
Bình Thuận là tỉnh được mạnh danh là đầy nắng và gió, là tỉnh có nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội khá đa dạng, trong đó nổi bật nhất là ngư nghiệp và du lịch. Bình Thuận có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như bãi Ông Địa, bãi trước và bãi sau …là nơi du khách có thể tắm biển, nghỉ dưỡng, du thuyền và dã ngoại. Trên thực tế, du khách có thể tìm hiểu về cảnh quan và con người Bình Thuận, nhưng ít ai tự đặt ra câu hỏi : Vì sao Bình Thuận là tỉnh có lượng mưa thấp nhất cả nước ? Đây là một câu hỏi khá thú vị nếu chúng ta tìm ra được lời giải đáp.
Trong các thành phần tự nhiên cũng như các yếu tố khí tượng thủy văn đều có mối quan hệ với nhau rất chặt chẽ. Mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau đã tạo ra các hệ quả Địa lí. Bình Thuận có lượng mưa thấp nhất cả nước không nằm ngoài mối quan hệ đó.
Nước ta có 2 chế độ mưa cơ bản : chế độ mưa vào mùa hè và chế độ mưa vào thu – đông. Bình Thuận nằm ở cực Nam của Duyên hải Nam Trung Bộ nên có sự giao thoa của 2 chế độ mưa nói trên.
Lãnh thổ Bình Thuận kéo dài theo vĩ độ, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp các khối cao nguyên của Nam Trường Sơn. Với vị trí này lẽ ra phải có lượng mưa lớn, nhưng thực tế thì ngược lại. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc 3 nguyên nhân cơ bản sau :
- Yếu tố địa hình : ngoài diện tích đồng bằng ven biển nhỏ và hẹp, thì địa hình đồi núi chủ yếu có độ cao trung bình dưới 1000 mét. Phía Tây Bình Thuận giáp cao nguyên Di Linh có độ cao gần 2000 mét. Vào mùa hè gió mùa Tây Nam gây mưa cho sườn Tây của của cao nguyên Di Linh, khi vượt qua sườn Đông để đến Bình Thuận thì lượng hơi nước đã giảm, nhiệt độ lại tăng, gây hiện tượng thời tiết khô và nóng.
- Vị trí Địa lí và hình dạng lãnh thổ : Lãnh thổ Bình thuận kéo dài từ vĩ độ 10033’42’’B đến 11033’18’’B; phía đông giáp biển với tổng chiều dài đường bờ biển khoảng 192 km, đây là lợi thế để Bình Thuận phát triển các ngành kinh tế biển. Ở các tỉnh, thành lân cận thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh , Bình Dương …có lượng mưa lớn vào mùa hạ, do trực tiếp đón nhận gió mùa Tây Nam. Riêng Bình Thuận, hình dạng lãnh thổ nằm gần như song song với hướng gió mùa Tây Nam nên tác động của biển vào đất liền rất hạn chế.
  - Tác động của dòng biển lạnh :
Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến ảnh hưởng của dòng lạnh trong vấn đề hình thành thời tiết, khí hậu Bình Thuận. Ở vùng biển Bình Thuận một hiện tự nhiên độc đáo đã ảnh hưởng đến lượng mưa của vùng đó là hiện tượng nước trồi, một số người quen gọi là chồi lạnh (Upwelling). Nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này là do tác động của gió mùa, hiện trạng địa hình đáy biển, bờ biển và sự phân tầng nước biển trong vùng biển.  
Vào mùa hè, trường gió mùa nước Tây Nam biến động mạnh theo không gian và thời gian. Qua phân tích các yếu tố thuỷ văn đã xác định được nhiều đặc trưng quan trọng của hiện tượng nước trồi trong khu vực. Nước trồi có thể tồn tại trên dải ven bờ và thềm lục địa của Bình Thuận. Nước trồi tồn tại từ tháng 5 đến tháng 9, mạnh nhất vào tháng 7 đến 8. Theo nghiên cứu thì tâm nước trồi mạnh nhất tồn tại ở tam giác Cà Ná - Phú Quý - Phan Thiết.
Bên cạnh những dòng lạnh chảy ở tầng sâu do trường gió mùa Tây Nam, vào thời kì mùa khô, khoảng từ tháng 11 đến tháng IV năm sau. Ở nước ta nói chung và Bình Thuận nói riêng xuất hiện dòng biển lạnh theo mùa. Khi dòng lạnh chảy vào vùng biển tỉnh Bình Thuận, do ảnh hưởng của địa hình thềm lục địa và lực côriôlít nên dòng lạnh có hướng trồi lên và đi vào gần bờ. Dòng lạnh là nguyên nhân làm cho khả năng bốc hơi nước của biển thấp, nên lượng mưa hạn chế. Lượng mưa hàng năm của Bình Thuận chủ yếu do ảnh hưởng của dãy hội tụ nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là ảnh hưởng của bão trên biển Đông.
Do ảnh hưởng của các nhân tố trên nên hiện nay Bình Thuận là tỉnh có lượng mưa trung bình năm thấp nhất cả nước (khoảng 600mm), có năm chỉ đạt 200 đến 250mm. Lượng nước bốc hơi cao gấp hai lần lượng mưa nên hiện tượng sa mạc hóa diễn ra mạnh. Hiện tượng thời tiết khô hạn đã gây khó khăn không nhỏ đến sinh hoạt của người dân, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó huyện Tuy Phong là địa phương có lượng mưa thấp nhất tỉnh

Các lễ hội dân gian tại Bình Thuận:
* Hội Ðền Dinh Thầy: Diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng 9 âm lịch tại đền Dinh Thầy, Hàm Tân, Bình Thuận là ngày giỗ Thầy và Thím. Theo truyền thuyết có 2 vợ chồng: Thầy và Thím quê Quảng Nam sống ở thế kỷ 19, học đạo, đồng thời chữa bệnh cho nhân dân trong vùng theo pháp thuật. Trong phiên tòa xử án, Thầy và Thím đã cuốn lụa biến thành rồng đỏ bay vào Hàm Tân (Bình Thuận) sống tại đây và làm thuốc trị bệnh cứu giúp dân lành cho đến khi qua đời. Dân trong vùng thương tiếc lập đền thờ Thày và Thím. Hội Dinh Thày còn mang nhiều tín ngưỡng mê tín, dân đến cúng giỗ rất đông, cầu cúng xin xăm, xin lá số. Nhân dân trong vùng mang theo nhiều lễ vật để dự lễ cúng chay vào tối 15, cúng cỗ chay và cỗ mặn vào ngày 16 thng 9.


* Lễ Hội Mbăng Katê: Lễ hội được tổ chức vào tháng 8, 9 âm lịch (đầu tháng 7 Chăm lịch), tại các lăng, tháp sau đó chuyển về gia đình đồng bào Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Lễ hội Katê là lễ hội quan trọng và có qui mô lớn nhất, kéo dài 5 ngày của người Chăm theo đạo Bà La Môn. Ðây là lễ Tết để tưởng nhớ các anh hùng, thần linh, tổ tiên, các vị vua có công với nước, với dân đã được thần thánh hóa như Po Klong Grai Pôrômê. Lễ hội đồng thời với việc hành hương, là việc thăm viếng, kết nghĩa bạn bè... Buổi tối trước ngày chính hội có nghi lễ trình y phục với các nghi thức trang trọng trong tiếng nhạc dân tộc và các điệu vũ cổ truyền. Trưa ngày chính hội là lễ dâng cúng và lễ rước thần , tắm tượng , mặc áo , đội mũ cho tượng... Khi trời sắp tối là kết thúc các nghi lễ, mọi người hưởng lộc và tham gia các trò vui như ngâm thơ, chơi nhạc,...
Trong lễ này, nhân dân thuộc dân tộc Raglai trên núi cũng xuống dự hội, chia xẻ niềm vui với ngườiChăm.
* Lễ Cầu Yên: Là một trong những lễ hội truyền thống của người Chăm, được tổ chức hàng năm tại các làng, xóm vùng dân tộc Chăm Bà Ni. Lễ hội diễn ra vào đầu tháng giêng Chăm lịch kéo dài khoảng 3 ngày đêm. Dân làng làm lễ cầu yên để tống tiễn những điều xấu, không may của năm cũ. Nghi lễ được tiến hành lúc chạng vạng tối. Sau phần nghi lễ là đến các tiết mục múa, hát của dân tộc Chăm và trị chơi thả thuyền.
* Lễ hội Trung Thu - (06/02/2015)
Lễ hội Trung Thu được tổ chức hàng năm vào đêm 14/8 Âm lịch ở thành phố Phan Thiết, du khách sẽ được đắm mình trong không khí lễ hội hoành tráng với muôn sắc
*Lễ hội Cầu Ngư - (05/02/2015)
Cầu Ngư là lễ hội dân gian gắn liền với tín ngưỡng và đời sống cư dân ven biển miền Trung. Ở Bình Thuận, lễ hội Cầu Ngư có ở hầu hết các dinh vạn thờ cá Ông (cá Voi) trong tỉnh. Lễ hội Cầu Ngư tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng Cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian.
* Lễ hội Nghinh Ông - (05/02/2015)
Theo truyền thống, cứ hai năm lễ hội được tổ chức một lần vào rằm tháng 7 Âm lịch (những năm chẵn). Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống lâu đời của người Hoa ở Phan Thiết. Cho đến nay lễ hội vẫn lưu giữ được những yếu tố văn hóa dân gian giàu tính nhân văn nguyên gốc của người Hoa.
*Lễ hội Đua Thuyền Sông Cà Ty - (05/02/2015)
Vào ngày Mùng 2 tết Nguyên Đán hằng năm, trên sông Cà Ty thành phố Phan Thiết diễn ra hội đua thuyền, đây là một trong những hoạt động thể thao lâu đời, gắn bó với đời sống văn hóa và tinh thần của người dân mỗi dịp Xuân về.
*Lễ cúng Po Riyak của người Chăm và tục thờ cá ông của cư dân ven biển miền Trung
Tín ngưỡng đa thần là một nét đặc trưng của người Chăm, xuất phát từ tín ngưỡng dân gian bản địa và tiếp thu văn hóa Ấn Độ. Đối với họ, thần linh hiển hiện, ngự trị khắp nơi: đất, trời, sông, núi, nhà cửa, đất đai… đều có những vị thần trông coi, đảm trách với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể gắn liền. Vì vậy, họ cũng có vị thần Biển ngự trị và trông coi đại dương mà người Chăm thường gọi là thần Po Riyak.
            Theo truyền tuyết, Po Riyak thuở sinh thời nuôi chí lớn nên tầm sư học đạo ở nước ngoài nhằm sau này trở về nước cứu nhân độ thế. Tuy nhiên, do nặng lòng với quê hương, ông muốn hồi hương sớm hơn dự định. Nhưng ý định này không được thầy ông chấp nhận.
Do đó, ông đã cùng đoàn tùy tùng của mình đang đêm giương buồm ra khơi trốn về cố hương. Thầy ông đã nổi giận lôi đình vì việc này nên đã nguyền rủa ông giữa đại dương cho bị cá nuốt. Po Riyak hiển linh được người Chăm tôn thành thần và thờ phụng ở hầu hết các làng Chăm Ninh Thuận. Người ta còn gọi Ngài là thần Sóng biển. Trước đây có miếu thờ Ngài ở bãi biển thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam nhưng nay không còn nữa, đã đổ nát vì sóng gió nhưng lễ tế hàng năm vẫn diễn ra. Lễ tế được tổ chức vào đầu năm lịch Chăm (khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch). Hàng năm, đồng bào Chăm không phân biệt Bà la môn hay Bà ni đều sắm sửa lễ vật về đây cúng tế rất đông. Lễ cúng Po Riyak được tổ chức theo nghi thức Rija Harei do các vị Mâduen, Ka-ing và ban nhạc lễ thực hiện.
            Người Chăm là cư dân sống ven biển, đã từng gắn bó với biển. Văn hóa biển của họ vẫn còn thể hiện khá đậm nét trong các nghi lễ qua lễ vật, các nghi thức cúng tế… Ngày nay họ không còn nghề làm biển hay thương buôn trên biển như xưa nhưng niềm tin về vị thần Biển của họ vẫn sâu sắc như đối với các vị thần khác có tính ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thần sông nước chẳng hạn. Sông, suối, biển khơi đều rất quan trọng trong đời sống của người Chăm vốn là cư dân nông nghiệp lúa nước. Họ có nhiều nghi thức cúng tế ở cửa sông, cửa biển, nguồn nước… vẫn còn gìn giữ và duy trì cho đến ngày nay. Niềm tin về sự linh hiển của các vị thần thể hiện sự cầu mong được chở che, phù hộ tai qua nạn khỏi để được bình yên trong cuộc sống, thuận lợi trong công cuộc làm ăn kiếm kế sinh nhai.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tục thờ thần Sóng biển của người Chăm chính là nguồn gốc của tục thờ cá Ông (cá Voi) của cư dân người Việt sống dọc ven biển miền Trung Việt nam còn được gọi là Ông Nam Hải. Các làng chài miền Trung hầu như đều có lăng thờ thần Nam Hải và có tục cúng nghinh Ông hàng năm hoặc 3 năm một lần cùng những tục khác liên quan. Họ cho rằng thần Nam Hải hiện thân cá Voi để cứu nhân độ thế, cứu giúp ngư dân trên biển khi có sóng to gió lớn, vượt qua tai nạn. Tương truyền rằng Ngài rất hiển linh và đó là niềm tin giúp họ vững tâm khi phải ngày đêm trực tiếp nơi đầu sóng ngọn gió. Lễ cúng Nghinh Ông còn được gọi là Lễ hội Cầu Ngư nhằm mục đích cầu xin Ông phù hộ mùa màng đánh bắt bội thu, ngư dân no đủ ngoài việc cúng tạ, ca ngợi công ơn Ông đã cứu người, cứu thuyền. Khi đi biển đánh bắt cá nếu gặp được cá Ông thì người dân rất vui mừng, tin rằng đã gặp vận may. Khi nào gặp cá ông “lụy” dân làng tổ chức đưa Ông lên bờ, làm lễ an táng trang trọng như đối với người, sau đó bộ xương được đưa vào lăng thờ. Vì vậy, trong lăng có thể thờ rất nhiều bộ xương Ngài. Người phát hiện Ông “lụy” đầu tiên được coi là “trưởng nam”, thay mặt dân làng bịt khăn đỏ, chịu tang 100 ngày.
            Thần Nam Hải còn có nhiều tước hiệu, tên gọi khác nhau nhưng cũng chỉ nhằm nói đến một vị thần của biển cả. Ở Ninh Thuận, ngoài việc thờ Ông qua hình hài cá Voi thì còn thờ cả cá Heo. Và người ta luôn tin rằng cho dù Ông còn sống hay đã “lụy” thì đều hiển linh như nhau và luôn phù hộ những người đi biển như họ, cứu giúp họ khi gặp nạn.

            Ngoài ra đồng bào dân tộc Chăm ở Bình Thuận thường xuyên tổ chức các lễ hội khác như: lễ Cầu Ðảo, lễ Rija Nưa, lễ Ðắp Ðập, lễ Cấm Phòng...