Vùng biển Tuy Phong không chỉ tuyệt đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn nức tiếng với các loại hải đặc sản, trong đó cua huỳnh đế từ lâu đã khẳng định đẳng cấp về chất lượng.
(Ảnh: Báo Bình Thuận)
Đặc sản tiến vua
Khi biển trở ngọn gió nồm cũng là thời điểm được mùa cua huỳnh đế. Vào những tháng này cua huỳnh đế đực và cái đều mang những chiếc bụng căng tròn vì gạch, cua cái lại có thêm trứng nên chúng khá lười vận động. Lý giải cho cái tên “huỳnh đế” khá thú vị. Nguyên thủy tên cua là “hoàng đế”, nhưng thuở xưa quan địa phương lệnh dân phải đọc trại đi vì sợ phạm húy (chúa Nguyễn Hoàng). Theo lời kể của ngư dân, khi vua du ngoạn ở các vùng biển đẹp, thấy ngư dân nơi đây đánh bắt được loại cua lạ, có màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên ăn thử. Ăn thấy ngon, càng sung sức nên vua truyền cho các địa phương có loại cua này phải dâng lên hoàng cung. Từ đó tên gọi cua “huỳnh đế” thay vì là “hoàng đế” như ban đầu.
Lão ngư Trần Văn Huệ ở thị trấn Liên Hương kể, cua huỳnh đế là đặc sản từ bao đời nay và ngày càng hiếm. Hồi đó vùng biển Tuy Phong có khá nhiều loài cua “vua” này. Có nơi, ngư dân phải gánh đi bán dạo khắp xóm. Theo kinh nghiệm của ngư dân, sở dĩ vùng biển Tuy Phong có nhiều loài cua huỳnh đế là vì đáy cát vàng và nguồn nước sạch, trong xanh là môi trường sống thích hợp của chúng. So với các loài cua khác, cua huỳnh đế khá khôn ngoan biết cách ngụy trang rất tinh tế. Với hình dạng đặc biệt, bộ mai nhiều râu, lưng đầy gai nhỏ, càng và que ngắn, cua huỳnh đế dễ dàng ẩn mình hòa vào các rạn san hô để săn mồi và tránh kẻ thù khi thấy động. Vì vậy, việc bắt được cua huỳnh đế đối với các ngư dân lành nghề có thể nói là khá kỳ công, nó đòi hỏi sự khéo léo, kinh nghiệm và độ kiên trì rất cao. Để bắt được loài cua vua này, ngư dân đánh bắt bằng lưới, lặn hay dùng một dụng cụ gọi là rập. Rập để bẫy cua huỳnh đế có hình dạng như chiếc nón, được gắn mồi tươi ở chính giữa. Mỗi thuyền ra khơi thường trang bị khá nhiều cái rập, khi thả mỗi cái cách nhau chừng 5m. Cua rúc vào đó ăn mồi và sập bẫy trong các rập.
Mùa này, tàu thuyền ngư dân đánh bắt từ biển khơi trở về vào cuối ngày. Nhìn những chú cua to như bàn tay bò lổm ngổm, ngoe ngoe chiếc càng thật hấp dẫn. Để cua đảm bảo chất lượng chắc, thơm ngọt và có gạch hồng thì đòi hỏi ngư dân phải biết cách giữ cua còn sống.
Danh bất hư truyền
Tuy Phong đang vào mùa cao điểm du lịch. Du khách đến đây ngoài viếng Cổ Thạch tự, ngắm cảnh vật hoang sơ, hòa mình với biển xanh cát trắng... thì tha hồ lựa chọn, thưởng thức các loại hải đặc sản. Dạo qua các chợ hải sản, bên cạnh các loại hải sản tươi sống như sò điệp, sò huyết, nghêu, cua, ghẹ, các loại ốc, cá, mực... vẫn nổi bật loài cua “vua” nức tiếng. Giá cua huỳnh đế không cao lắm, 1 kg loại 3-4 con, khoảng 450-500.000 đồng.
Thịt cua huỳnh đế thơm ngon, bổ dưỡng vào loại “quán quân”. Vì thế, ngày xưa nó là loại cua thường chễm chệ trên mâm vàng của thiên tử. Cua huỳnh đế chế biến các món như rang me, rang muối, nướng, luộc lấy thịt phi hành, gia vị rồi nấu cháo... Với mùi thơm đặc trưng, cháo cua huỳnh đế có thể tăng cường sinh lực cho đàn ông, bồi bổ cơ thể cho phụ nữ, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ.
Có lẽ món hấp, xé chấm ăn với muối tiêu ớt chim La Gàn (Bình Thạnh) mới làm cho người ăn tận hưởng hết chất ngọt ngào của thịt cua huỳnh đế. Vừa tách mai cua, bạn đã bị quyến rũ bởi gạch cua béo bùi, thơm lừng. Từng thớ thịt cua săn chắc, ngọt - dai - thơm với rất nhiều đạm, trắng muốt nhô lên khiến vị giác của bạn “đòi” nếm ngay lập tức…
Cua huỳnh đế - vua của các loại cua. Nếu bạn đã một lần được ăn cua huỳnh đế thì ắt hẳn sẽ mong được ăn lại nhiều lần nữa... Du khách đến Tuy Phong đừng bỏ qua món cua “vua” độc đáo này.