Người Phan Thiết đi ăn bún bò dơ hình như không phải vì hiếu kỳ bởi cái tên là lạ của nó, mà họ ăn vì sự quen thuộc và đôi khi còn bao hàm cả những nỗi nhớ nhung xa xưa lắm.
Phàm trong chuyện ăn uống, thường người ta rất kỹ tính. Món ăn giờ đây không chỉ ngon mà còn phải đẹp mắt, phải hợp vệ sinh. Tuy nhiên ở Phan Thiết lại có một quán bún bò trứ danh, mà ngay cái tên thôi cũng đã khiến nhiều du khách ngại ngần không dám nếm thử đó là quán bún bò dơ. Quán cũng đặc biệt như chính cái biệt danh mà nhiều người thường gọi vì thực đơn cũng chỉ đúng có một món là bún bò rau răm hay người ta gọi là bún bò dơ. Tuy nhiên, hương vị độc đáo và lạ lùng của món bún này mới chính là thứ khiến thực khách buâng khuâng đi chẳng nỡ. Nhiều du khách sành ăn còn quả quyết chưa nếm qua bún bò dơ thì coi như chưa đặt chân tới Phan Thiết.
Nhắc về bún bò, tất nhiên người ta sẽ nghĩ tới món bún bò Huế danh bất hư truyền của xứ cố đô. Đôi khi người ta cũng có vài định kiến nho nhỏ như kiểu những món bún bò khác đều chỉ là một phiên bản cải tiến thêm thắt của món bún bò Huế chứ có xa lạ chi mô. Nhưng khoan, chính món bún bò dơ sẽ khiến những thực khách phải có thêm một nhìn nhận khác, phải gật đầu mà thừa nhận rằng ngoài bún bò Huế ra, vẫn còn một món bún bò khác biệt và ngon như thế. Chẳng biết công thức của món bún bò dơ được ai sáng chế ra, tuy nhiên ở thành phố biển Phan Thiết nó gắn liền với một chiếc xe nhỏ được bày bán tại một trong những con lộ chính của nơi này, và tất nhiên lúc nào cũng đông khách.
Đặc điểm chung là người ta chỉ tập trung vào xì xụp ăn thôi, vừa ăn vừa thưởng thức vị nước dùng đặc biệt, chẳng cần phải nghĩ ngợi gì về cả một thế giới xô bồ nằm cách mình ngay chỉ vài bước chân. Đã vào quán là tập trung ăn, tập trung thỏa mãn cái mỹ vị cầu kì của mình, sau đó sẽ trở lại với cuộc sống tấp nập ồn ã. Nhiều người khi đọc qua những bài viết về món bún bò này chắc hẳn sẽ tự hỏi điều gì làm nên sức hút của nó, người viết xin được mượn một câu nói của một đầu bếp nổi tiếng người Ý, sự đơn giản và nguyên liệu tươi mới chính là bí quyết chung tạo nên bất kì món ăn ngon nào. Và hình như điều đó hoàn toàn đúng với món bún bò dơ này, món ăn này đơn giản tới mức khó mà tưởng tượng được, chỉ có thịt gân bò, huyết, nước dùng, ớt bột, rau răm ngâm dấm và bún cọng nhỏ, ngoài ra không có thêm bất kì loại rau nào khác. Người bán món này ngày trước là một ông lão người Bắc dáng nhỏ thó khó mà lẫn được , ông tâm huyết với món ăn của mình tới mức tuổi đã chín mươi mấy rồi vẫn đứng để phục vụ những “thượng đế” của mình. Rồi cách đây vài năm, ông cũng theo hoa cải về trời, sau này khi con ông lên tiếp quản quán có chút thay đổi nhỏ trong món bún, tuy nhiên, nhìn chung vẫn giữ được cái hồn của món ăn. Quán ăn vẫn thế, không hề có sự thay đổi, vẫn mái che với bàn ghế gỗ, trên bàn có thêm chai dấm, nhìn thoáng qua cứ ngỡ như đang lạc vào một thời kì xa xăm của những năm 80 cũ kỹ.
Món này khi ăn phải vừa ăn vừa nhai miếng thịt bò thơm, dai được ướp ngon lành, húp vị nước dùng thanh ngọt, cắn miếng huyết, nhai cọng rau răm cho điểm xuyết thêm chút vị cay nhè nhẹ, pha lẫn chút vị chua không lẫn vào đâu được của dấm . Người Phan Thiết đi ăn bún bò dơ hình như không phải vì hiếu kỳ bởi cái tên là lạ của nó, mà họ ăn vì sự quen thuộc và đôi khi còn bao hàm cả những nỗi nhớ nhung xa xưa lắm. Có người khi ăn món này thì lại nhớ về người cha ngày trước cũng từng chở mình đi ăn, cũng hàng quán đó, cũng hương vị đó cay nồng ấm áp, còn có người lại nhớ về mối tình đầu ngày nào còn chở nhau đi ăn sáng, đón đưa mà giờ thì người theo chồng xa mãi, còn người thì bộn bề công việc, bộn bề nhung nhớ mà vẫn nao lòng khi vô tình nghe tên người cũ. Với mấy người mà món ăn này gợi chuyện buồn, mà việc quên đi được xem như một lựa chọn bất khả thì ớt bột phải thêm thật nhiều vào, cho cay thật cay, để còn hít hà cho lòng bớt bực bội, đôi khi còn vô tình nhăn mặt mà nặn ra được một vài giọt nước mắt hiếm hoi trên gương mặt chai sần gió bụi.
Quán chắc chẳng cần phải chỉ cho rõ, cho cụ thể cái địa điểm, vì cả Phan Thiết chỉ có mỗi một quán bún bò rau răm. Hỏi bất cứ người dân địa phương nào cũng sẽ được hướng dẫn và chỉ tận tình, quán cũng chỉ bán vào mỗi buổi sáng và thường rất đông khách. Ăn sáng xong thì bước vài bước là tới ngay bờ sông, gần dãy nhà của những phú thương xưa cũ, phía trước có vài quán cà phê cóc giá chỉ khoảng tám đến mười ngàn cho một ly đen đá, ăn no rồi phải có gì đó uống cho đỡ khát chứ, vừa uống vừa nhìn người đàn ông khắc khổ kế bên thở ra một hơi khói thuốc trắng xóa khiến khung cảnh thêm phần mờ ảo. Một buổi sáng đẹp cho một ngày bình yên vốn dĩ luôn bắt đầu như thế.