Chinh phục bằng dịch vụ - Phục vụ bằng con tim...

Translate

CÁC CHƯƠNG TRÌNH TOUR PHỔ BIẾN

Ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam

Hải đăng Kê Gà được người Pháp cho xây dựng vào cuối thế kỷ 19, gần 120 năm tồn tại, đây được xem là ngọn hải đăng cổ nhất ở Việt Nam. Ðây cũng là điểm tham quan hấp dẫn khi tới mảnh đất đầy nắng gió Bình Thuận. 



Khởi hành từ thành phố Phan Thiết khi mới 4h sáng, chạy dọc theo con đường ven biển thoáng đãng và thưa vắng người nên khi đến bờ kè xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) để đợi thuyền ra đảo Kê Gà, mặt trời vẫn còn đang như quả bóng nổi trên mặt biển, rồi bị đẩy về phía chân trời xa xa. Từ đất liền nhìn ra ngọn hải đăng vẫn thấy ánh đèn soi rõ một khoảng trời.

Biển Hàm Thuận Nam sớm mai yên bình, những con thuyền đã về đậu gần bờ sau một đêm rong ruổi đánh bắt trên biển. Sát gần mép nước nhất vẫn là những chiếc thuyền thúng nhỏ để đưa người ra xuồng máy hoặc thuyền lớn. Không gian vắng lặng, không tiếng động cơ, chỉ có tiếng người gọi nhau và tiếng sóng. Vậy nên chúng tôi đã chọn đi thuyền thúng để ra đảo thay vì đi xuồng máy như dự định ban đầu. Hành trình bập bềnh trên con thuyền nhỏ đôi khi làm run tay bấm máy ảnh, nhưng lại khiến cho việc đón bình minh trở nên chậm rãi, cứ thong thả vươn tay chèo vừa nhìn thấy mặt trời từ từ lên cao. Theo người dân địa phương ở đây, các cụ xưa gọi hòn đảo nhỏ nhô ra biển này là Khe Gà - bởi hình thú nó giống đầu gà. Nhưng sau này do gọi chệch đi mà giờ thành tên Kê Gà.
Rời thuyền lên đảo, điều ấn tượng nhất là những bãi đá đủ hình thù, vuông tròn, to nhỏ nằm dọc theo lối đi lên ngọn hải đăng. Hai bên lối đi là hai hàng cây hoa sứ đang trổ hoa thơm ngát. Không ít du khách ngỡ ngàng khi biết những thân cây xù xì, thô ráp cứng cỏi vươn mình lên trong nắng sớm ấy có nhiều cây đã có tuổi đời lên đến trăm năm, gắn với lịch sử xây dựng và hoạt động của tháp đèn cổ này. 
Tháp đèn hải đăng được xây cao 35m xây theo khối hình trụ. Toàn bộ đá để xây đều là đá hoa cương được đưa từ Pháp sang. Để lên tới nơi treo đèn thì phải qua hơn 180 bậc cầu thang theo lối xoắn ốc. Với một dàn pin năng lượng mặt trời luôn được cấp đầy đủ ở mảnh đất tràn ngập nắng này, đêm đêm, ngọn đèn ấy có thể soi rọi trong khoảng không kéo dài tới 40km.
Dưới mái vòm của tháp đèn hải đăng, những loài chim biển đã chọn nơi làm tổ. Buổi sáng, tiếng chim ríu rít làm xôn xao cả một vùng trời. Từ xa đã thấy những cánh chim nhỏ bay vút lên không trung. Vì được đặt trên một mỏm đá ngay rìa mép nước nên ngồi ngay dưới chân tháp đèn cũng có thể thấy những đợt sóng xô vào đất liền. Mặt biển xanh tít tắp trước mặt, thỉnh thoảng điểm thêm bởi những con thuyền nhỏ bé đang di chuyển kèm theo những vệt sóng trắng dưới đuôi thuyền.
Mặt trời càng lên cao, mặt biển càng xanh lồng lộng. Những mỏm đá vững chãi hướng ra phía biển trở thành những điểm chụp hình tuyệt vời cho các bạn trẻ. Những người khách trung niên cũng nán lại nói chuyện với những người đang trông coi tháp đèn. Những câu chuyện về mũi Hòn Lan, bãi đá nhảy lúc ẩn lúc hiện quanh vùng được giới thiệu càng làm cho vùng biển hoang sơ này trở nên hấp dẫn du khách.
Rời đảo Kê Gà khi mặt trời lên, những ghe thuyền đã lại bắt đầu một ngày đi biển. Những người nuôi hải sản gần bờ, người thu mua hải sản ở những chợ di động bên bờ biển cũng đã tất bật cho công việc một ngày. Trên bờ, những chiếc lưới đã nằm đợi cho một chuyến ra khơi, mang về những mẻ cá tôm, sò ốc tươi ngon... Ngồi lại một chút trên bờ kè, hít hà những làn gió sớm mai, hẳn ai cũng sẽ thấy vui vui với những tiếng bạn thuyền gọi nhau ra khơi, tiếng trẻ con nô đùa trên đường đi học.
Kết thúc hành trình đón bình minh cũng là lúc du khách có thể lên đường, lang thang khám phá tiếp biển Thuận Quý, tới những làng chài bình yên, hoặc đi dọc con đường ven biển Hàm Thuận Nam để tìm tiếp những bãi đá kỳ thú của thiên nhiên như hòn Chồng, bãi đá Ông Địa, hoặc lên núi Tà Cú, chạy xe về Lagi khám phá mảnh đất còn hoang sơ này.